ĐỀN ITSUKUSHIMA – THÁNH ĐỊA CỦA CÁC NỮ THẦN | Guidable - Your Guide to a Sustainable, Wellbeing-centred Life in Japan

ĐỀN ITSUKUSHIMA – THÁNH ĐỊA CỦA CÁC NỮ THẦN

By Nam Chi Sep 4, 2018

This post is also available in: English Spanish

Với nét kiến trúc và văn hóa độc đáo, những ngôi đền chùa ở Nhật Bản luôn thu hút cả người dân trong nước lẫn khách du lịch ngoài nước đến thăm. Khi nói đến đền Shinto Nhật, không thể không nhắc về Itsukushima, nơi cất giữ lịch sử, truyền thống tại một vị trí tuyệt vời.

Đền Itsukushima nằm trên hòn đảo Miyajima, thuộc tỉnh Hiroshima. Đây được xem là một trong các ngôi đền có sức ảnh hưởng và lâu đời nhất Nhật Bản vì nó được thành lập từ năm 593. Được công nhận là di sản văn hóa thế giới UNESCO, ngôi đền không những được biết đến nhờ cách xây dựng đặc biệt, mà còn vì là một biểu tượng của sự thanh khiết trong tôn giáo Nhật.

NHỮNG VỊ THẦN

Tại Itsukushima, 3 vị nữ thần được thờ chính là:

市杵島姫命(いちきしまひめのみこと)Ichikishimahime-no-mikoto

田心姫命(たごりひめのみこと)Tagorihime-no-mikoto

湍津姫命(たぎつひめのみこと)Tagitsuhime-no-mikoto

Đây là ba vị công chúa sinh ra từ nữ thần mặt trời Amaterasu. Amaterasu được xem là vị thần tổ tiên của hoàng gia Nhật từ thuở sơ khai, nên nhánh hoàng tộc ở tỉnh Hiroshima luôn có niềm tin rằng có sự liên kết giữa 3 vị nữ thần con của Amaterasu và họ. Ba nữ thần này chăm sóc và phù hộ cho người dân nôi đây, nhất là mang lại sự yên an khi ra khơi!  

CỔNG TORII VĨ ĐẠI:    

Chỉ vừa tiến gần đến đền Itsukushima, ta sẽ được chào đón bởi chiếc cổng đền màu son nổi bật. Màu đỏ cực kì đặc trưng cho cổng đền ở Nhật, vì nó giúp chống mục rữa và được cho rằng sẽ đuổi quỷ dữ và tà ác. Trong thần thoại Nhật Bản, nữ thần thường có sự gắn kết với nước! Thế nên đền Itsukushima càng trở nên đặc biệt hơn khi vừa thờ ba nữ thần, vừa được xây trên mặt nước như vậy. Đắc địa đắc thế, cánh cổng đỏ giữa lưng biển của đền như một ranh giới được kẻ ra giữa chốn nhân gian và thiên giới.

Tuy cực kì khổng lồ, nhưng chân của cổng đền này lại không được chôn sâu dưới cát, mà ngược lại, nó được giữ vững bởi chính sức nặng của nó. Ngoài ra, có 4 trụ dưới chân giúp cổng đền thăng bằng giữa biển. Tất cả 4 trụ chống được làm từ một loại gỗ đặc biệt chống mục và côn trùng xâm nhập vào.

Cổng chính của đền Itsukushima còn một đặc điểm, chính là sự thay đổi diện mạo giữa các thời điểm trong ngày. Khi thủy triều lên, thì màu son rực rỡ của cổng lại làm cho biển cả chung quanh thêm phần xanh thẳm, và chỉ được ngắm từ xa. Đến mùa cạn thì khách du lịch lại có thể đi bộ trên cát và tiến lại gần ngay dưới cổng. Sau hoàng hôn, chiếc cổng vĩ đại này còn được thắp đèn vàng ấm áp, giúp nó nổi hẳn lên trên mặt biển đêm. Dù là ngày hay đêm, không thể phủ nhận rằng nét đẹp hùng vĩ của đền Itsukushima là khó sánh bằng.

BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ THANH KHIẾT

Trong đạo Shinto của Nhật, sự tinh khiết là một tính chất quan trọng. Ở Itsukushima, tính chất này lại càng được chú trọng hơn, vì ngôi đền được xây dựng trên một đảo riêng biệt, nên nhiều người cho rằng nơi này được chọn để làm nơi ngự trú của thần linh mà không bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập của ma quỷ hoặc loài người.

Trước đây, rất hiếm khi có người được cho phép đến khu vực này hoặc vào đền thờ, để giữ gìn trự trong trẻo thanh khiết. Dĩ nhiên, khách du lịch là hoàn toàn không có. Kể cả các sư thầy cũng không được sống tại đền mà phải đi thuyền vào mỗi khi có dịp đặc biệt cần thực hiện các lễ nghi. Dần dần, một số ít người được cho phép sống trên đảo này vì ngôi đền cần quản lí và sửa chữa thường xuyên. Cho đến thời Edo, thì Itsukushima mới được mở ra với công chúng và trở nên nổi tiếng đối với du khách.  

Tuy nhiên, nhiều luật lệ vẫn được thông hành để giữ ngôi đền không mất đi sự thanh trong. Từ thế kỉ 19, sự chết chóc và sinh đẻ là bị nghiêm cấm khỏi hòn đảo vì những giai đoạn này của đời người được người Nhật xem như một sự ô nhiễm. Phụ nữ mang thai khi gần ngày hạ sinh và những người cao tuổi có bệnh nặng thì đều phải chuyển đi khỏi đảo, và ở đây không diễn ra bất cứ hoạt động ma chay, chôn cất nào.

TRUYỀN THỐNG – LỄ HỘI

Điệu múa Bugaku là một nghi lễ nổi tiếng tại đền Itsukushima. Bộ môn này được gìn giữ qua nhiều thế hệ và đã từ lâu trở thành một nghi thức quan trọng tại các lễ hội. Điệu múa này bao gồm nhiều hình thức nhảy múa, trộn lẫn từ nhiều quốc gia Á Châu khác nhau. Ngày xưa, điệu nhảy này du nhập đến Nhật Bản và được chuyển thể thành một dạng giải trí cao cấp cho hoàng gia và quý tộc.  

Có 2 nhánh chính trong điệu múa Bugaku, được chia ra dựa vào nguồn gốc, quần áo lúc biểu diễn và nhạc nền. Đầu tiên là điệu nhảy phía bên trái (Saho no mai or Samai) bắt nguồn từ Trung Quốc. Điệu còn lại là của bên phải, và có nguồn gốc ở Hàn Quốc (Uho samai no mai or Umai). Điệu nhảy này tận dụng những động tác đối xứng nhau và được lặp đi lặp lại, để thể hiện một quan niệm trong Hindu Giáo – Phật Giáo: vòng xoay bất tận của vũ trụ. Một điều thú vị là, tuy Bugaku được du nhập, nhưng hiện nay trên thế giới thì Nhật Bản là nước duy nhất còn lưu truyền và biểu diễn nó.

Một số các lễ hội nổi tiếng tại đền Itsukushima là: Lễ hội Toka-sai (dành cho Hoa Anh Đào), và Kikka-sai (dành cho Hoa Cúc). Và các lễ khác tổ chức hằng năm ở Itsukushima, như Kiyomori cũng thu hút khách du lịch khắp nơi.

 

 

 

 

 

 

Hướng dẫn cách đi đến: http://visithiroshima.net/world_heritage/access/