“Tất Tần Tật” Về Lễ Obon Nhật Bản | Guidable - Your Guide to a Sustainable, Wellbeing-centred Life in Japan

“Tất Tần Tật” Về Lễ Obon Nhật Bản

By Tony Tao Aug 5, 2020

This post is also available in: English

Bạn biết gì về kỷ nghỉ lễ Obon cận kề?

Nếu như Việt Nam có ngày lễ vu lan để biết ơn cha mẹ thì Nhật Bản cũng có một ngày lễ với mục đích tương tự gọi là lễ hội Obon (お盆) hay lễ hội Bon. Lễ hội Obon ở Nhật Bản với mục đích thể hiện sự biết ơn đối với cha mẹ và tổ tiên. Đây cũng là dịp đoàn tụ gia đình và có ý nghĩa rất quan trọng đối với tâm linh tín ngưỡng của người Nhật.

Lễ hội Obon được diễn ra vào giữa tháng 8 từ ngày 13 đến 15 và là một trong ba kỳ nghỉ lễ lớn của Nhật Bản cùng với Kỳ nghỉ Tết và Tuần lễ vàng. Tuy nhiên, lễ Obon sẽ không nằm trong lịch đỏ (lịch những ngày nghỉ của Nhật) vì nó không phải là kỳ nghỉ quốc gia. Tuy vậy, Obon luôn được người dân Nhật coi là kỳ nghỉ hè của bất cứ ai, hầu hết các công ty đều cho nghỉ vài ngày trong lễ hội Obon. 

Sự tích lễ hội Obon 

Lễ hội này đã có cách đây khoảng 500 năm và liên quan đến một câu chuyện có quan hệ tới Phật giáo. Nguồn gốc của lễ hội Obon bắt nguồn từ một người tên là Mokuren. Ông là một đệ tử của Phật giáo đã tu hành nhiều năm và đạt được pháp lực cao siêu. Khi có được pháp lực đủ lớn, ông muốn tìm về linh hồn của người mẹ mất sớm để báo hiếu công sinh thành của bà. Khi tìm được linh hồn của mẹ ông mới biết mẹ bị đày xuống địa ngục chịu rất nhiều đau khổ. Không biết làm sao, Mokuren đã tìm đến Đức Phật để hỏi cách giải thoát cho linh hồn của mẹ mình. Đức Phật thấy lòng hiếu thuận của Mokuren nên đã mách cho ông một cách đó là chuẩn bị lễ vật để cúng cho các nhà tu đang tu hành trong dương gian vào đúng ngày 15 tháng 7. Mokuren làm theo và khi hoàn thành lễ cúng thì linh hồn của mẹ ông được siêu thoát có thể trở lại nhân gian gặp người thân. Quá đỗi vui mừng, Mokuren đã nhảy múa khi gặp lại được linh hồn của mẹ.

Câu chuyện về lòng hiếu thảo của Mokuren được rất nhiều người biết đến. Từ đó về sau, cứ hàng năm người dân Nhật Bản lại tổ chức lễ hội Obon (lễ hội Bon) để thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ và đối với linh hồn của những người đã mất. Điệu nhảy mà Mokuren nhảy múa khi được gặp lại mẹ của mình cũng được người Nhật học theo và gọi điệu múa này là điệu múa Bon hay Bon Odori.

Ngày 13 Tháng 8 — Mukaebi – đón linh hồn về nhà

Tương tự như ngày lễ vu lan ở Việt Nam, ngày lễ Obon của Nhật Bản cũng phải đón các linh hồn về nhà và lễ tiễn linh hồn trở lại âm phủ. Tuy lễ Obon được diễn ra vào ngày 15 nhưng thường ngày 13 sẽ là ngày mà các gia đình đốt lửa (đốt đuốc) trước nhà để giúp các linh hồn tìm được đường trở về.

Thông thường, người Nhật sẽ trang trí bàn thờ của người đã khuất với những tấm bia tưởng niệm nhỏ, trái cây, hoa và bánh kẹo Nhật Bản.

Đặc biệt hơn, tại các vùng nông thôn, người dân sẽ làm một con ngựa giả từ dưa chuột, một con bò giả từ cà tím với bốn chân làm bằng đũa. Chú ngựa sẽ có nhiện vụ đón đưa linh hồn trở về nhà sớm nhất có thể, trong khi chú bò sẽ đưa họ quay trở lại thiên đường sau khi lễ hội kết thúc. (Giống cá chép của ông công ông táo nhà mình thật!) 

Vào ngày này, các gia đình Nhật cũng tới nghĩa trang thăm dọn những ngôi mộ của người thân, họ gọi đây là tục ohaka-mairi.

Ngày 14 – 15 Tháng 8 — Hoyo/Kuyo 

Vào ngày thứ hai và thứ ba của Obon, các gia đình Nhật Bản sẽ mời một thầy tu (hoặc đến thăm một ngôi chùa hoặc đền thờ) để đọc kinh và thực hiện một nghi lễ tưởng niệm gọi là Hoyo hoặc Kuyo. Họ sẽ ăn trưa và chia sẻ những câu chuyện cũ cùng nhau sau lễ. Bữa ăn thuần chay, được gọi là shojin ryori, và thường bao gồm đậu hầm, rau bina với nước tương và vừng, hoặc dưa chuột muối.

Ngày 16 tháng 8 — Okuribi – Đưa linh hồn về trời 

Obon kết thúc bằng một lễ hội lửa trại khác thắp sáng bầu trời, tiễn các linh hồn của tổ tiên rời cõi trần trở về thiên đường.

Gozan Okuribi (hay Daimonji) ở Kyoto được coi là một trong những lễ hội đốt lửa nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Thành phố Kyoto sẽ đốt 5 ngọn lửa ngoạn mục ở sườn núi trong lễ Okuribi. Năm chữ được đốt trong lễ hội Obon ở Kyoto là chữ Đại, Diệu, Pháp, Thuyền (trong số 5 chữ có 2 chữ Đại được đốt cùng 3 chữ khác tạo thành 5 chữ). Lễ hội Obon Kyoto này thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.

Trong khi dân tộc Nhật được coi là một dân tộc khá phi tôn giáo và các lễ hội liên quan nhiều đến giải trí hơn là truyền thống, Obon là một trong số ít các sự kiện trong năm tập trung vào tầm quan trọng của việc dành thời gian gia đình bên nhau và trở về cội nguồn.

Tình hình giao thông – Obon 2020

Cao điểm mùa du lịch Obon dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 8 tháng 8 đến ngày 16 tháng 8 năm 2020. Những ngày bận rộn nhất sẽ là ngày 8, 12 và 13 tháng 8 khi người dân rời các thành phố lớn và ngày 15 và 16 tháng 8 khi mọi người quay trở lại

Với sự lây lan của CoronaVirus hiện tại, có đi đâu chơi thì mọi người cũng nên nhớ đeo khẩu trang đầy đủ nhé!